Ba tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố

Ba tuyến cáp quang biển APG, AAG và AAE-1 nối Việt Nam đi quốc tế đều đang gặp sự cố. Trong khi đó, 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 vẫn bị gián đoạn và đang trong quá trình sửa chữa.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết sáng 26/12, tuyến cáp quang biển quốc tế APG tiếp tục gặp sự cố. Đây là lần thứ 4 tuyến cáp này bị gián đoạn trong năm nay.

Tuyến cáp quang biển APG tiếp tục gặp sự cố

Cụ thể, tuyến cáp biển APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Hiện tại, các đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông báo cho phía nhà mạng khai thác về nguyên nhân cũng như kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố.

Được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016, APG là tuyến cáp biển quan trọng với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Ngoài ra, tuyến cáp quang APG được nhiều nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom tham gia đầu tư và khai thác. Đây đồng thời là tuyến cáp có độ ổn định cao và dung lượng lớn dành cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Trong khi đó, lỗi trên hai tuyến cáp khác là AAG và AAE-1 vẫn chưa được khắc phục. Tuyến AAE-1 gặp sự cố dò nguồn từ tháng 11, khiến toàn bộ lưu lượng trên tuyến bị mất. Còn AAG gặp trục trặc trên nhánh S1B, S1D từ cuối tháng 6 đến nay.

Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra vào tháng 2, khi cả ba tuyến IA, AAG và APG cùng lỗi. Việc ba tuyến cáp quang biển cùng trục trặc sẽ khiến dung lượng đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng có tính chất cục bộ và diễn ra ở một số giai đoạn nhất định.

“Các nhà mạng ở Việt Nam thực tế đã quen ứng phó với các tình trạng này. Họ sẽ từng bước bổ sung dung lượng qua các hướng cáp biển còn lại và các hướng cáp đất liền”, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đánh giá hồi đầu năm.

Ngay khi phát hiện các sự cố, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đều khẩn trương đưa ra những phương án khắc phục, bao gồm chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang tuyến cáp biển IA và SMW3 cũng như các tuyến cáp đất liền khác. Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet sẽ gặp nhiều khó khăn khi cả 3 tuyến AAG, APG và AAE-1 đều gặp sự cố cùng lúc.

Hiện tại, Asia Pacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG) và AAE-1 (Asia – Africa – Euro 1) là 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kết nối 2 tuyến khác gồm SMW3 (còn gọi là SEA – ME – WE3) và Liên Á (IA – Intra Asia).

Ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này cho rằng, các sự cố nói trên tuy đồng thời xảy ra nhưng vẫn nằm trong khả năng đảm bảo đường truyền của nhà cung cấp dịch vụ Internet. 

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã có các phương án backup (dự phòng) sẵn. Do vậy, người dùng Internet tại Việt Nam không cần quá lo lắng các sự cố nói trên sẽ gây gián đoạn, ảnh hưởng đến đường truyền.